Tổng hợp 5 hệ điều hành phổ biến trên tivi hiện nay, ưu nhược điểm của từng loại
Khi lựa chọn một chiếc tivi thông minh thì bên cạnh yếu tố hình ảnh, âm thanh và thương hiệu thì hệ điều hành cũng là một yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày. Mỗi hệ điều hành đều có những điểm mạnh riêng từ giao diện, kho ứng dụng đến khả năng kết nối và tùy chỉnh. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp 5 hệ điều hành phổ biến nhất trên tivi hiện nay gồm Android TV, Tizen OS, webOS, Google TV và VIDAA và đồng thời phân tích chi tiết ưu nhược điểm của từng nền tảng để người dùng có cái nhìn rõ ràng trước khi chọn mua.
1. Hệ điều hành Android TV sử dụng linh hoạt và kho ứng dụng phong phú
Android TV là hệ điều hành do Google phát triển riêng cho smart tivi, nó có giao diện tương đồng với điện thoại Android và điều này giúp người dùng dễ làm quen và thao tác. Với khả năng kết nối Internet mạnh mẽ và kho ứng dụng Google Play rộng lớn, Android TV mang đến trải nghiệm giải trí đa dạng, không giới hạn.
Ưu điểm lớn nhất của Android TV là sự linh hoạt, cho phép người dùng cài đặt các ứng dụng ngoài thông qua file APK, trải nghiệm các dịch vụ phổ biến như YouTube, Netflix, Spotify hay Google Cast một cách mượt mà. Ngoài ra, người dùng có thể điều khiển tivi bằng điện thoại, giọng nói qua Google Assistant và chơi game trực tuyến như trên smartphone.
Tuy nhiên, giao diện của Android TV đôi khi gây rối mắt do quá nhiều biểu tượng và ứng dụng không tương thích. Một số dòng yêu cầu sử dụng đến hai điều khiển, khiến thao tác trở nên phức tạp. Ngoài ra, tốc độ phản hồi có thể không ổn định trên các mẫu tivi giá rẻ hoặc đời cũ.
2. Hệ điều hành Tizen OS có thiết kế giao diện mượt mà, tối ưu riêng cho Samsung
Tizen OS là hệ điều hành độc quyền do Samsung phát triển và tích hợp trên hầu hết các dòng smart tivi của hãng. Ưu điểm nổi bật nhất của Tizen là giao diện phẳng hiện đại, dễ sử dụng và phản hồi nhanh. Giao diện được thiết kế theo hướng tối giản, tập trung vào trải nghiệm trực quan, phù hợp cả với người dùng mới.
Bên cạnh đó, hệ điều hành này còn giúp cho thanh công cụ hiển thị trên smart tivi Samsung được thông minh hơn, cho phép truy cập nhanh các ứng dụng yêu thích như Netflix, FPT Play, Zing TV và hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói qua Bixby hoặc Google Assistant. Tizen cũng có kho ứng dụng đa dạng và tích hợp hệ sinh thái SmartThings để kết nối với các thiết bị thông minh khác trong nhà.
Nhược điểm của Tizen nằm ở khả năng tương thích thiết bị ngoại vi chưa cao so với Android TV. Đồng thời, giao diện tổng thể vẫn còn phức tạp với người dùng chưa quen sử dụng tivi thông minh.
3. Hệ điều hành WebOS có thiết kế giao diện thân thiện, kết nối hệ sinh thái LG
WebOS là hệ điều hành độc quyền của LG, nổi bật nhờ giao diện trực quan với các thẻ ứng dụng sắp xếp thành dải băng ngang phía dưới màn hình. Người dùng có thể dễ dàng truy cập các ứng dụng hoặc tính năng mà không cần thoát khỏi chương trình đang xem.
Ngoài ra, các dòng smart tivi LG dùng webOS còn được tích hợp AI ThinQ hỗ trợ điều khiển thiết bị điện tử trong nhà, tạo thành một hệ sinh thái IoT thông minh. Công nghệ 360 độ VR và trình điều khiển bằng con trỏ bay Magic Remote giúp mang lại trải nghiệm tương tác linh hoạt và mới mẻ.
Điểm trừ của WebOS là kho ứng dụng không phong phú bằng Android TV, mặc dù vẫn đầy đủ các ứng dụng phổ biến như YouTube, Netflix, Clip TV, FPT Play,… Tuy nhiên, với những ai chỉ cần một hệ điều hành dễ dùng, mượt mà cùng sự bảo mật cao thì WebOS vẫn là lựa chọn sáng giá.
4. Hệ điều hành Google TV có thiết kế cá nhân hóa nội dung, giao diện trực quan
Google TV là hệ điều hành thế hệ mới của Google và đây được xem là phiên bản nâng cấp toàn diện của Android TV với giao diện được làm lại để đơn giản và tập trung vào nội dung hơn. Hệ thống đề xuất nội dung thông minh dựa trên thói quen xem của người dùng giúp người xem nhanh chóng tiếp cận những chương trình phù hợp. Bạn có thể dễ dàng thấy hệ điều hành Google TV trên nhiều các hãng như là tivi Sony, Casper, TCL…
Điểm đặc biệt của Google TV là được tích hợp Google Assistant cho phép tìm kiếm và điều khiển bằng giọng nói dễ dàng. Hệ điều hành này cũng hỗ trợ trình chiếu nội dung từ điện thoại qua Google Cast hoặc Miracast. Khả năng kiểm soát nội dung cho trẻ em, tạo hồ sơ cá nhân riêng biệt giúp trải nghiệm sử dụng tivi trở nên tiện nghi và an toàn hơn.
Nhược điểm của Google TV là kho ứng dụng còn hạn chế, khả năng tương thích thiết bị ngoại vi chưa tốt, và hiệu suất có thể chậm nếu sử dụng trên các thiết bị cấu hình thấp. Ngoài ra, trải nghiệm phụ thuộc nhiều vào kết nối mạng ổn định.
5. Hệ điều hành VIDAA với giao diện đơn giản, phản hồi nhanh trên tivi Hisense
VIDAA là hệ điều hành do hãng Hisense phát triển riêng cho các mẫu smart tivi của mình. Ưu điểm của VIDAA nằm ở giao diện dễ sử dụng, tốc độ phản hồi nhanh và khả năng xử lý mượt mà ngay cả trên các mẫu tivi giá rẻ. Điều này giúp người dùng lớn tuổi hoặc mới tiếp cận công nghệ dễ dàng làm quen.
Thêm vào đó, hệ điều hành VIDAA của smart tivi Hisense còn có kho ứng dụng tích hợp đầy đủ các nền tảng phổ biến tại Việt Nam như YouTube, Netflix, FPT Play, VieON cùng khả năng điều khiển giọng nói tiếng Việt mang lại sự tiện lợi đáng kể. Hệ điều hành này cũng có khả năng bảo mật cao, ít gặp lỗi vặt và ít quảng cáo không mong muốn.
Tuy nhiên, VIDAA vẫn tồn tại nhiều giới hạn như thiếu ứng dụng chuyên biệt như là khả năng cá nhân hóa kém và chưa có nhiều tính năng mở rộng như các nền tảng lớn khác. Một số mẫu tivi sử dụng VIDAA có chất lượng âm thanh và hình ảnh chưa thực sự nổi bật do giới hạn cấu hình phần cứng.
Tổng kết
Mỗi hệ điều hành trên tivi đều có những ưu điểm riêng biệt phù hợp với từng đối tượng người dùng.
Android TV và Google TV là lựa chọn lý tưởng nếu ưu tiên kho ứng dụng phong phú, khả năng mở rộng cao và kết nối tốt với hệ sinh thái Google. Trong khi đó, Tizen OS mang đến trải nghiệm mượt mà, giao diện đơn giản và hiệu năng ổn định, rất phù hợp cho người dùng yêu thích tivi Samsung.
Còn về WebOS thân thiện với người dùng mới, thao tác nhanh, tích hợp AI thông minh và có khả năng kiểm soát hệ sinh thái điện tử trong gia đình. Đối với VIDAA lại nổi bật ở khả năng xử lý nhanh, giao diện dễ dùng, rất phù hợp cho người lớn tuổi hoặc các hộ gia đình tìm kiếm sự đơn giản, ổn định.
Tóm lại, lựa chọn hệ điều hành nào còn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, ngân sách và thiết bị sẵn có trong gia đình. Việc hiểu rõ đặc điểm từng nền tảng sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn được chiếc tivi thông minh phù hợp nhất cho mình.